Ngày càng có nhiều người mắc các vấn đề về dạ dày, ngoài việc đến bác sĩ khám chữa bệnh và uống thuốc, thì còn có thể dùng một số loại thức ăn để cải thiện dạ dày.
Tức ngực, tim đập nhanh, có thể là dạ dày có vấn đề
Bác sĩ Lại Duệ Hân (Lai Ruixin), trưởng phòng khám Hàn Minh Đường [phòng khám Y học cổ truyền Trung Quốc tại Đài Loan] cho biết, người bệnh có vấn đề về dạ dày đến khám ở phòng khám ngày càng nhiều. Trong số những bệnh nhân này, một số người là có thể tự nhận thấy được các triệu chứng dạ dày, còn lại thì rất khó để nhận thấy.
Các triệu chứng bệnh dạ dày có thể tự nhận thấy được: đầy hơi, ợ hơi, đau bụng vùng, ợ chua, dạ dày có cảm giác nóng rực, táo bón, tiêu chảy.
Các triệu chứng bệnh dạ dày khó nhận thấy: trong ngực khó chịu, đau tức ngực, tim đập nhanh, hoặc là giấc ngủ và tâm trạng bị xáo trộn.
Bác sĩ Lại Duệ Hân cho biết, bệnh nhân đến phòng khám có rất nhiều người đau tức ngực, tim đập nhanh, là do dạ dày gây ra, chẳng hạn như chứng trào ngược axit dạ dày. Khi axit dạ dày trào ngược đến đoạn giữa thực quản, khoảng ở vùng ngực, lâu ngày sẽ ăn mòn niêm mạc thực quản và gây ra khó chịu ở vùng ngực, khiến người bệnh tưởng rằng tim mình có vấn đề.
Viêm dạ dày, dạ dày đầy hơi cũng sẽ gây ra khó chịu ở ngực. Bởi vì phía trên dạ dày là cơ hoành, phía trên cơ hoành là khoang ngực, khi áp lực của dạ dày ép lên lồng ngực sẽ gây ra các triệu chứng về tim, phổi.
Nhịn ăn có thể gây ra vấn đề về dạ dày
Ăn uống là nguyên nhân trực tiếp nhất gây ra các vấn đề về dạ dày và đường ruột.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra vấn đề ở dạ dày gồm có: áp lực, ăn quá nhanh, ăn quá no, để bụng đói quá lâu.
Ví dụ như, áp lực công việc lớn, hoặc là người làm nghề phục vụ có thời gian ăn uống không cố định, dẫn đến đói. Cũng có người để bụng đói quá lâu, đến khi ăn thì lại dùng lượng đồ ăn quá nhiều.
Ngoài ra, hiện nay rất phổ biến việc nhịn ăn để giảm cân. Bác sĩ Lại Duệ Hân nói rằng: “Thực ra, tôi không khuyến nghị nhịn ăn”, trừ khi dạ dày rất khỏe mạnh. Bà cho rằng nhịn ăn sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày, bởi vì bụng trống rỗng trong một thời gian dài.
Lấy phương pháp nhịn ăn gián đoạn 16/8 làm ví dụ, tốt nhất là sau khi ăn bữa tối xong thì đi ngủ sớm một chút, như vậy sẽ không bị đói quá lâu. Nhưng rất nhiều người ăn tối trước 8 giờ, mãi cho đến 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ, làm cho axit dạ dày tiết ra không bình thường. Bác sĩ Lại Duệ Hân cười nói: “Đối với những người muốn giảm cân, tôi cho rằng điều chỉnh chế độ ăn uống tốt hơn là nhịn ăn, bởi vì hiện tại tôi cũng đang giảm cân”.
Những thức ăn dễ kích thích dạ dày: Các loại thức ăn như đồ nướng, đồ chiên, đồ cay, đồ quá lạnh, đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ uống có quá nhiều cafein.
Có một số loại thực phẩm không phải là không thể ăn, mà là nên ăn với lượng vừa phải. Ví dụ như ớt, thêm một chút ớt cay vào bữa ăn thì có tác dụng làm gia vị, còn có thể trợ giúp trao đổi chất. Người có thể chất hư hàn, ăn một ít ớt thậm chí có thể cải thiện vấn đề dạ dày. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ăn những bữa ăn có vị cay hoặc rất cay, sẽ khiến cơ thể mất cân bằng.
7 loại nguyên liệu có tác dụng dưỡng dạ dày
Làm thức ăn hàng ngày để bồi bổ dạ dày, thì nên dùng thức ăn có tính bình, có tính dược liệu càng thích hợp hơn. Bởi vì tỳ vị thích loại thức ăn có tính ấm và bình hòa, mà những thức ăn có tính bình đều thích hợp với hầu hết các loại thể chất. Bác sĩ Lại Duệ Hân khuyên rằng, thức ăn cho dù tốt đến đâu đều phải ăn với lượng thích hợp, không nên ăn một lần với lượng quá nhiều. Bà nói: “Bệnh nhân thường hỏi tôi rằng ‘nên ăn nhiều thứ gì’, tôi đều trả lời rằng ‘bạn nên ăn gì đó bớt đi’”
Dưới đây là 7 loại thức ăn có tính bình, tính dược liệu, có thể ăn thường xuyên trong cuộc sống:
1. Cam thảo: Tính ngọt bình, có tác dụng điều hòa dạ dày, làm dịu chứng khó chịu của tỳ vị. Rất nhiều bài thuốc Đông y đều có cam thảo, bởi vì trong bài thuốc có một số dược liệu sẽ gây kích ứng dạ dày, khi cho thêm cam thảo vào sẽ cải thiện các tác dụng phụ này, làm giảm đi tính kích ứng của dược liệu.
Cam thảo lát có thể trực tiếp cho vào nước nóng để uống, cũng có thể làm dược liệu nấu canh.
2. Canh tứ thần: Loại canh này được nấu từ củ mài (hoài sơn), phục linh, hạt súng, hạt sen. Đây đều là những vị thuốc có tính bình, an toàn, có tác dụng bổ tỳ, thích hợp cho cả gia đình cùng ăn.
3. Đậu bắp: Về cơ bản, những thức ăn và dược liệu có tính dính, trơn thì đều có công dụng bồi bổ cho dạ dày, bởi vì trong dạ dày có niêm mạc, những thức ăn có chất nhầy có thể bảo vệ niêm mạc. Trong Đông y có một loại dược liệu gọi là Bạch Cập, khi cắn thì có cảm giác nhầy nhớt, thường dùng để điều trị lở loét. Đậu bắp cũng có công dụng như vậy.
4. Khoai từ Nhật Bản: Khoai từ có thể tăng thêm âm dịch cho phổi và dạ dày, đặc biệt là khoai từ sống ở Nhật Bản có nhiều chất nhầy, có công dụng bảo vệ dạ dày tốt hơn so với khoai từ bình thường.
Nguồn : Epochtimes Tiếng Việt