Tình trạng gia đình là nhân tố mấu chốt ảnh hưởng hết sức quan trọng đến động cơ học tập của trẻ. (Ảnh: Fotolia)
Nữ đồng nghiệp của tôi mỗi ngày vội vã lúc tan tầm, hỏi cô ấy vì sao vậy? Đáp án là, bởi vì thành tích học tập của con cô ấy không như mong đợi, đành phải đích thân quản lý đôn đốc, mỗi ngày đều phải kèm cặp con học, kết quả làm cho cả người lớn và đứa trẻ đều căng thẳng, tạo thành áp lực trong gia đình càng ngày càng lớn.
Gặp phải loại tình huống này, tôi luôn cho rằng, “mỗi ngày đem cá cho con, còn không bằng cho con một cái cần câu”. Vậy nên, so với việc hao hết tâm sức kèm cặp con học tập, chẳng bằng nuôi dưỡng thói quen tự học ngay từ khi còn nhỏ cho con. Hơn nữa, tốt hơn hết là chính bản thân con tự giác vui vẻ học tập. Thế nhưng, làm sao để bồi dưỡng được thói quen này?
Các bậc cha mẹ có thể tham khảo bí quyết ở dưới đây:
Cha mẹ của Âu Dương [vợ của tác giả] có tất cả sáu người con, cả nhà sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Làng gia quyến quân nhân (một cộng đồng ở Đài Loan). Mặc dù ngôi nhà không lớn, thế nhưng cha của Âu Dương luôn giữ vững một nguyên tắc: Khi con đi học ở nhà trẻ và bắt đầu viết chữ thì nhất định phải mua một cái bàn học, không thể để cho con ngồi ở bàn ăn để học bài, bởi vì như thế đứa trẻ không có cảm giác thích thú. Vậy nên, mỗi người con đều có riêng một cái bàn học nhỏ, sẽ đặt trên chiếu Tatami trong phòng. Mỗi ngày sau khi tan học ở trường, bọn trẻ sẽ quen nếp đến bàn nhỏ của mình học bài, đọc sách. Từ nhỏ đã có nơi dành riêng cho mình, như vậy cũng là dưỡng thành thói quen tự học cho trẻ.
Đến lúc Âu Dương trưởng thành, kết hôn và sinh con, công việc của cô liên quan đến công tác giáo dục trẻ nhỏ, chuyên môn về mỹ thuật, hội họa và trang trí. Vậy nên, chúng tôi tự giáo dục hai cô con gái bảo bối trong gia đình, chúng tôi cũng dung hợp phương pháp giáo dục của cả hai bên.
Khi hai cô con gái được hai tuổi rưỡi, chúng tôi mua bàn học cho các bé, không phải loại bàn đắt đỏ gì, chỉ là loại bàn học bằng sắt bình thường, mặt bàn có lót kính trong suốt. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ, trẻ nhỏ còn chưa biết chữ, cần bàn học làm gì? Mẹ của bé sưu tầm các loại giấy quảng cáo, mua kéo an toàn cho trẻ, dạy bé cắt dọc theo hình in trên tờ quảng cáo. Mới đầu tất nhiên cắt sẽ không được đẹp, nhưng dần dần càng cắt càng đẹp, tay của bé được luyện tập ngày càng khéo léo.
Mẹ của bé lại mua thêm ít tranh vẽ, keo dán, bút màu, dạy bé đem những hình vẽ vừa cắt ra lại dán vào bức tranh, rồi tô màu, dạy cho bé về bố cục, phối màu… Vậy nên trước khi bé biết chữ, bàn học là “Thiên đường mỹ học” của hai chị em bé. Mẹ bé lại mua thêm một ít đất sét giấy, dạy hai bé làm các sản phẩm nghệ thuật bằng đất sét giấy. Từng chút một, những chi tiết nhỏ trong cuộc sống được bắt đầu từ bàn học nhỏ. Thẩm mỹ của các bé cũng chuyển từ mặt phẳng sang hình khối, bước đầu đặt nền tảng màu sắc cho cuộc sống muôn màu.
Khi con gái bốn, năm tuổi, chúng tôi mua một bộ đầy đủ về lịch sử thế giới, lịch sử Trung Quốc, mô hình địa cầu, bắt đầu dạy cho các bé những tri thức trong sách tại bàn học. Mỗi một địa danh được nhắc đến trong lịch sử, tôi sẽ chỉ ra vị trí của địa danh đó trên mô hình địa cầu, để các bé từ nhỏ có khái niệm về phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; khái niệm địa lý ở trên mô hình địa cầu được mở rộng đến cảnh vật chung quanh nhà ở. Cũng nhờ vậy, trước khi bước vào tiểu học, các bé đã có khái niệm cơ bản về lịch sử và địa lý. Điều quan trọng hơn chính là, chúng tôi đã bồi dưỡng được cho các bé thói quen tốt là sau khi đi học về sẽ ngồi vào bàn học viết chữ.
Bắt đầu từ ngày đầu tiên con gái vào tiểu học, trong thời gian học kỳ một, mỗi tối tôi đều kèm bé học, từ bài học giáo viên dạy trên lớp, bài học trong sách, kể cả những bài học liên quan đến kiến thức ngoại khóa, từng chút từng chút kiên nhẫn dạy cho con. Vào ngày nghỉ, tôi đưa các bé đến thư viện tìm tài liệu, đồng hành cùng con cho đến khi kết thúc thi giữa kỳ. Kết quả, các bé thi đạt hạng ba trong lớp. Từ đó về sau, tôi không kèm các con học nữa. Bởi vì đã đạt thành tích đứng hạng 3 trong lớp, điều này khiến cho các bé vì muốn duy trì danh dự mà không dám đánh mất thứ bậc, do đó vẫn luôn giữ được thành tích ở khoảng hạng 3 trở lên.
Vì vậy, khoảng thời gian để đồng hành học tập cùng con quan trọng nhất là từ khi bắt đầu vào lớp 1 cấp tiểu học cho đến khi kết thúc kỳ kiểm tra giữa kỳ 1. Các bậc cha mẹ cần nắm chắc giai đoạn quan trọng này, nhưng từ đó về sau có thể giảm bớt việc thường xuyên kèm cặp các con.
Do Hiểu Phong thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Nguồn : Epochtimes Tiếng Việt